Mẹ chồng – nàng dâu từ lâu đã là mối quan hệ khá phức tạp thế nên các biên kịch thường xuyên đi sâu vào khai thác những tình huống “dở khóc dở cười’ cho đến các tấn bi kịch của mối quan hệ này trên màn ảnh nhỏ.
Thực trạng mẹ chồng “cay độc” trên màn ảnh Việt
Hai bộ phim gây ám ảnh nhất về mẹ chồng phải kể đến Sống chung với mẹ chồng (2017) và Thương ngày nắng về (2022). Điều đặc biệt, cả hai bộ phim này nhân vật mẹ chồng đều được thể hiện bởi NSND Lan Hương.
Bộ phim truyền hình “Sống chung với mẹ chồng” gây sốt một thời. (Ảnh: VTV Giải trí)
Đến với Sống chung với mẹ chồng ta chứng kiến một bà mẹ luôn tính toán, chi li đến từng mớ rau, đặt con trai lên hàng đầu nhưng chỉ coi con dâu như “bát nước đổ đi”. Trong cuộc sống hậu hôn nhân, bà thường xuyên xen vào chuyện tình cảm của hai vợ chồng Vân – Thanh (do Bảo Thanh và Anh Dũng thủ vai) và thậm chí soi mói nhất cử nhất động của cô con dâu.
Thế nhưng gây bức xúc nhất phải kể đến việc bà vu oan cho Vân ngoại tình và gián tiếp làm cô không thể mang thai một lần nữa. Với hàng loạt các câu chuyện được khắc họa, netizen thậm chí còn phong cho bộ phim danh hiệu “bộ phim làm gia tăng tỷ lệ FA tại Việt Nam”.
Sự “khó ở” luôn được bà thể hiện trong cách đối xử với con dâu. (Ảnh: Zing)
Nhân vật này từng gây ra một làn sóng tranh cãi với câu nói kinh điển: “Vợ chỉ là một đứa con gái xa lạ ở đẩu ở đâu về, không lấy đứa này thì lấy đứa khác”. (Ảnh: Tư liệu phim)
“Tức nước vỡ bờ”, nàng dâu 9X quyết định về lại chế độ độc thân. (Ảnh: Tư liệu phim)
Chiếm sóng VTV3 ở thời điểm hiện tại, bộ phim Thương ngày nắng về cũng lấy đi không ít nước mắt của khán giả nhà đài vì những tổn thương mà Khánh (Lan Phương) phải chịu khi có một bà mẹ chồng quá quắt. Bà thường chì chiết con dâu vì mang bầu trước khi cưới và đổ lỗi cho cô vì gián tiếp làm chị chồng ly hôn. Ở diễn biến mới nhất, bà Hiền còn bắt Khánh bán nhà trả nợ cho chị chồng. Thậm chí, bà Hiền (NSND Lan Hương) còn không ít lần nghi ngờ cô ngoại tình, khiến cho tình cảm vợ chồng rạn nứt.
Sự kết hợp “đỉnh cao” của mẹ chồng và “bà cô bên chồng” khiến cuộc sống hôn nhân của Khánh lâm vào tình trạng không thể cứu vãn. (Ảnh: Tư liệu phim)
Bà Hiền luôn “gai mắt” con dâu vì đủ thứ chuyện trên trời dưới đất mặc dù cô nàng luôn nhẫn nhịn, nghe lời và làm tròn bổn phận dâu con. (Ảnh: Tư liệu phim)
Cuối cùng, sau tất cả những bi kịch Khánh chọn cách ly hôn để giải thoát cho chính mình. (Ảnh: Zing)
Một điểm chung của hai cô con dâu xấu số đó là lấy phải một người chồng nhu nhược, đúng chuẩn style “con trai cưng của mẹ”. Không những không dám đứng ra bênh vực vợ, thậm chí còn hùa theo mẹ để tra khảo, nghi ngờ chính người “đầu ấp tay gối’ với mình. Đứng trước sự khắc nghiệt của mẹ chồng và sự bất tài, nhu nhược của chồng, thử hỏi nàng dâu nào có thể chịu nổi?
Phản ánh đúng thực tế hay đang “bóp méo” quá đà?
Các bộ phim ăn khách đương nhiên không tránh khỏi những bàn luận, tranh cãi xung quanh. Khi phần lớn khán giả đồng tình với những câu chuyện “rất thật” của đời sống được tái hiện trên màn ảnh về mối quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu thì vẫn tồn tại một bộ phận lại cho rằng các biên kịch đang quá đà trong việc khắc họa hình mẫu mẹ chồng.
Nhiều nghi vấn được đặt ra rằng các biên kịch có đang quá đà khi xây dựng hình mẫu mẹ chồng toàn là những nhân vật phản diện. (Ảnh: Vietnamnet)
Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những hiểu lầm, hiềm khích xung quanh mối quan hệ này bởi lẽ giữa họ có sự khác biệt về tuổi tác, sở thích, lối sống, văn hóa,…Khoảng cách thế hệ đôi khi là rào cản lớn nhất trong việc chấp nhận và yêu thương nhau.
Mỗi người lại có một “nỗi niềm riêng” nên đôi khi trong cuộc sống không tránh khỏi những xung đột, mâu thuẫn. (Ảnh: Tư liệu phim Sống chung với mẹ chồng)
Thế nhưng việc xây dựng hình tượng mẹ chồng quá hà khắc thậm chí là gây ám ảnh với những chi tiết làm con dâu khó có thai, cố tình tạo chứng cứ ngoại tình hay soi mói từng chút một đôi khi khiến khán giả có những suy nghĩ tiêu cực, cái nhìn bi quan, phiến diện hóa về hình tượng mẹ chồng.
Bất kể mối quan hệ nào cũng có thể được cải thiện khi chúng ta biết thấu hiểu, lắng nghe và sẻ chia cùng nhau. (Ảnh: Pinterest)
Ngoài ra, những định kiến trên màn ảnh có thể gây hệ lụy không tưởng cho con người ngoài đời thực, đặc biệt là các bạn gái. Nhiều khán giả nữ bày tỏ thái độ “cực gắt” khi được đề nghị sống chung với mẹ chồng và thậm chí “xin phép được FA” khi xem xong bộ phim. Đôi khi những quan điểm ấy vô tình hình thành nên một nhận thức sai lệch trong hôn nhân và mối quan hệ với mẹ chồng của các cô nàng.
Nhiều bạn trẻ có tâm lý sợ sống chung với mẹ chồng. (Ảnh: Pinterest)
Ngoài đời thực còn rất nhiều người mẹ chồng tâm lý, hiền lành, thương con dâu như con cái trong nhà. Thế nên việc phiến diện hóa hình tượng mẹ chồng đôi khi khiến một số người làm mẹ cảm thấy bị đụng chạm, chạnh lòng.
Việc cố tình bóp méo hình tượng chỉ để câu view, thu hút dư luận đi ngược lại với thiên chức mà điện ảnh nói riêng và nghệ thuật nói chung đề ra. (Ảnh: Pinterest)
Khán giả tìm đến phim ảnh, nghệ thuật với mục đích giải trí, thư giãn. Nhưng thay vì mục đích ấy, phim ảnh Việt dường như đang cố đẩy tình tiết về những cuộc cãi vã vô bổ, thậm chí vô lý khiến khán giả cảm thấy stress, mệt mỏi. Đây cũng là một yếu tố khiến không ít khán giả kêu than rằng họ cảm thấy mệt hơn khi xem phim.
Theo Thể Thao & Văn Hóa
http://yan.thethaovanhoa.vn/hinh-tuong-me-chong-tren-man-anh-viet-dang-bi-bop-meo-303524.html